Berluti mời Hom Nguyễn về nước mừng Boutique đầu tiên tại Việt Nam

Ban Giải Trí |

Sinh ra và lớn lên tại Pháp – Hom Nguyễn đã có hành trình từ một nghệ nhân Patina trên giày da trước khi trở thành hoạ sĩ chân dung được Tổng thống Pháp trao tặng huân chương, Vouge và UN Women trân trọng hợp tác. Nhân kỉ niệm boutique đầu tiên tại Việt Nam, nhà làm đồ da trăm tuổi Berluti đã mời hoạ sĩ Hom Nguyễn hồi hương cùng tôn vinh nghệ thuật Patina.

Patina – cầu nối đưa Hom Nguyen về con đường nghệ thuật

Hom Nguyễn sớm bộc lộ niềm yêu thích và tài năng hội họa của mình từ nhỏ nhưng sự khó khăn của một gia đình chỉ 2 mẹ con, mẹ gặp tai nạn và không biết tiếng Pháp, đã khiến Hom ngưng học và bắt đầu kiếm sống từ năm 12 tuổi. Vì thương con, mẹ anh vẫn luôn khuyên rằng đừng theo nghệ thuật, sẽ lại khổ và nghèo. Tích cóp số tiền mình có được, Hom Nguyễn đã tới Tokyo để học hỏi từ những bậc thầy về hình xăm ở Shibuya, quan sát thế giới và phát triển kỹ thuật của riêng mình. Khi quay về Pháp, Hom Nguyen đã chọn một nghề không phải nghệ sĩ nhưng cũng rất gần gũi với hội hoạ, đó là vận dụng những kiến thức về xăm và đánh màu patina (trên da giày) vào việc tạo ra những đôi giày độc bản. Có thể nói đây là bước đầu để Hom hội ngộ con đường nghệ thuật của mình.

Với tư cách là một nghệ nhân Patina độc lập, Hom Nguyễn đã bán và đánh giày. Anh bắt đầu với việc đưa các màu sắc lên da và các kĩ thuật đánh Patina điêu luyện để tạo ra những bức hoạ sống động trên đôi chân của những nhà sưu tầm. Với khả năng hội hoạ, sau đó Hom bắt đầu vẽ trên những đôi giày, xăm lên da và tạo ra được tiếng vang nhỏ, anh có một cuộc sống ổn định hơn và được biết đến trong lãnh vực này. Thậm chí đã có những khách hàng phải chờ đợi bởi những đơn đặt hàng độc bản chồng chất. Hom ngạc nhiên với chính sự phát triển của mình trong nghề Patina, cũng nhờ đó mà anh có được sự tự tin về cảm nhận nghệ thuật của mình và quyết định dấn thân sâu hơn.


Hom Nguyễn có xuất thân là một nghệ nhân Patina trước khi đến với hội hoạ

Có thể nói rằng, nhờ có những đôi giày, Hom đã không còn phải sống chật vật với nỗi ám ảnh cơm áo gạo tiền như trước nữa. Nhưng có một băn khoăn mà anh biết rõ rằng là, anh không có nhu cầu mở xưởng rộng lớn hay trở thành ông chủ hãng giày. Càng làm anh càng tự hỏi và dường như hiểu bản thân mình hơn, điều đó đã dẫn đến quyết định quay trở lại với hội hoạ năm 2009.

Mặc dù chính thức trở thành một hoạ sĩ khi đã gần 40 tuổi, Hom Nguyễn có vinh dự được đặt những tác phẩm của mình tại Grand Palais – là “Khải Hoàn Môn” trong giới nghệ thuật tại thủ đô Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande khi đến thưởng tranh, cũng không tiếc lời khen dành tặng cho anh. Không những vậy, từ năm 2013, những tác phẩm của Hom đã được trưng bày ở nhiều buổi triển lãm cá nhân được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới từ Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore, được các tạp chí và tổ chức hàng đầu như Vogue, UN, McLaren Automotive mời hợp tác. Tháng 11/2021 vừa qua, nghệ sĩ Hom Nguyễn đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký sắc lệnh trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ* vì đã có những cống hiến tích cực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Thông báo trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ gửi đến Hom Nguyen

*Huân chương Công trạng Quốc gia là quốc lệnh vốn được ra đời từ năm 1963 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle. Để được Tổng thống trao tặng Huân chương danh giá này, các cá nhân phải đáp ứng cả 2 điều kiện: có thành tích xuất sắc ít nhất 10 năm trong những hoạt động công ích, dân sự hoặc quân sự, hoặc trong những hoạt động cá nhân có ảnh hưởng tích cực đến xã hội; được đề xuất bởi bộ trưởng, dựa theo bộ hồ sơ được lên nên và nghiên cứu theo yêu cầu của chính quyền trung ương, một tỉnh trưởng, một hiệp hội, một nhân vật chính trị (thị trưởng, thứ trưởng) hoặc một nhóm ít nhất 50 người (vì sáng kiến ​​của công dân). Được biết trong toàn bộ những gương mặt vinh dự được trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia năm 2021, chỉ có 5% các cá nhân đến từ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và Hom Nguyễn chính là nhân vật tiêu biểu.

Berluti – Cha đẻ của nghệ thuật Patina

Khởi nguồn từ năm 1895 với tinh thần tiên phong trong thiết kế, kĩ thuật chế tác thượng thừa và tôn vinh gía trị mà những người dẫn đầu yêu thích: “sự cá nhân hóa”. Suốt hơn trăm năm qua nhà làm đồ da Berluti vẫn luôn phục vụ những quý ông danh tiếng.Từ danh họa Pablo Picasso, danh ca Dean Martin, Frank Sinatra đến ông hoàng pop-art Andy Warhol hay nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent huyền thoại.

Cha đẻ của thương hiệu – ngài Alessandro Berluti đã lập nghiệp đóng giày theo một cách rất riêng. Nếu thời đó để may được một đôi giày cần nhiều mảnh ghép nối thì nghệ nhân Berluti đã khởi tạo ra cách đóng đôi giày Oxford đầu tiên chỉ từ một miếng da duy nhất (whole cut), tạo nên tổng thể mượt mà, hoàn thiện nối dài từ đầu mũi chân tới gót, lịch lãm vượt thời gian. Thế hệ tiếp theo, Torello Berluti chú tâm vào phương pháp đóng giày 3D, đề cao kích cỡ, khối lượng và thể tích của từng đôi giày – điều mà các thợ làm giày cùng thời đã bỏ qua. Sau đó, hai anh em Talbinio Berluti và Olga Berltui đã đưa những kỹ nghệ chế tác giày độc bản thủ công vào giày may sẵn và những thiết kế túi được thửa riêng.

Nghệ thuật tạo lớp “gỉ” màu Patina được phát minh bởi nghệ nhân Olga Berluti – hậu duệ đời thứ 4 của nhà mốt trăm năm tuổi

Thời bà Olga bắt đầu làm việc tại Berluti là giai đoạn mà các quý ông thường chỉ đi giầy màu nâu sau 6 giờ tối, còn lại chỉ mang giầy đen. Trong mắt bà Olga, không có gì đẹp hơn những đôi giầy được phủ màu sắc và sự ngả màu theo thời gian. Từ trăn trở đó, bà đã phát minh ra kĩ thuật có tên Patina – bao gồm việc sử dụng các loại kem và bột màu tự nhiên để mang lại cho đôi giày màu sắc có độ bền và độ sâu khác nhau. Pha màu ở nhiều sắc độ, mức độ trong suốt của màu và cường độ lực tác động khi đánh ở các vị trí khác nhau, nghệ nhân Patina sẽ tạo ra sự đậm nhạt sắp đặt một cách có chủ ý, tựa như cách tạo khối trong hội hoạ, điêu khắc lên những “đôi chân như tạc tượng”. Thay vì tô màu đều cả đôi giày, phong cách Patina của nhà Berluti đưa màu sắc vào một cách rất tự nhiên, để những lớp màu mới đánh cũng có được cảm giác đã trải qua thời gian và sự hao mòn, tạo ra cảm giác tự nhiên tổng thể. Những đôi giày Patina kiểu này dù qua thời gian sử dụng có cũ đi thì sự xuống màu cũng rất tự nhiên, và mỗi giai đoạn lại tạo thành một nét đẹp biến hoá riêng. Khi đó chủ nhân hoàn toàn có thể đem tới nhờ chuyên gia đổi một màu Patina khác bespoke cho riêng mình và thế là đôi giày lại “tái sinh” trong diện mạo hoàn toàn mới. Vì vậy tuổi thọ của những đôi giày, chiếc túi của Berluti thường rất là bền bỉ.

Phải nói rằng tư duy này ở giai đoạn đó là rất avant garde và đã tạo ra cuộc “cách mạng sắc màu” trong thế giới giày quý ông, mở đường cho một tương lai đầy tự do và phóng khoáng. Olga Berluti đã phát triển bảng màu lên tới 9 màu thường không có trong tủ đồ của quý ông thời đó và kể từ đó tới nay, các quý ông sành điệu không chỉ mang giầy màu nâu và đen nữa. Đặc biệt tôn vinh tính cá nhân hóa của những người dẫn đầu, nghệ nhân hoàn toàn có thể pha màu sắc dựa trên yêu cầu. Đây chính là điều khiến Berluti được tôn trọng và yêu mến trên toàn thế giới, bởi không cần logo đồng đều để nhận diện, chính sự cá nhân hoá, tay nghề thủ công bậc thầy, tư duy trong tiên phong khiến những đôi Berluti khiêm nhường nhưng vẫn nổi bật, được nhận ra bởi màu sắc và thiết kế cuốn hút từ xa.

Boutique Berluti đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam

Berluti – nhà mốt biểu tượng của nghệ thuật Patina và kỹ năng chế tác đồ da bậc thầy dành cho các quý ông, đã ra mắt boutique đầu tiên tại Việt Nam. Được phân phối chính thức bởi tập đoàn S&S Group, Berluti đã bắt đầu mở cửa chào đón các quý ông tại toạ lạc 57 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nằm tại khu phố di sản của Hà Nội, đối diện với khách sạn Metropole và bên cạnh khách sạn Capella, thiết kế boutique tập trung vào sự đơn giản nhưng sang trọng, thông qua chất liệu gỗ và da – đặc trưng của Berluti ngay từ những ngày đầu tiên. Berluti Hà Nội chào đón những vị khách với bức tường Patina bằng da độc đáo – biểu tượng cho kỹ năng chế tác bậc thầy và chiếc đèn chùm được lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang của Việt Nam, như một minh chứng cho phong cách savoir-faire và tinh thần sáng tạo không ngừng của Berluti.

Chia sẻ nhân dịp boutique thứ 67 trên toàn thế giới đi vào hoạt động, đại diện của Berluti cho biết: “Tôi rất hào hứng khi được tham dự sự kiện đặc biệt mừng khai trương boutique Berluti đầu tiên tại Việt Nam, đồng hành cùng S&S Group và nghệ sĩ Hom Nguyễn cùng tôn vinh giá trị nghệ thuật Patina là tinh hoa của Berluti, là dịp kết hợp rất đặc biệt chưa từng có trước đây.”


Bức tranh được Hom Nguyễn đặc biệt dành riêng cho Berluti Hà Nội vào dịp khai trương.

Ngay tại tầng 2 của boutique, nghệ sĩ Hom Nguyễn đã trình diễn trực tiếp những công đoạn cuối cùng để hoàn thành bức tranh đặc biệt dành riêng cho Berluti và chỉ có duy nhất tại Berluti Hà Nội. Bức tranh là cảm xúc của người nghệ sĩ tri ân nghệ thuật Patina đã nuôi sống anh cũng như nuôi sống niềm đam mê nghệ thuật trong anh qua những thời khắc khó khăn nhất. Chia sẻ về dịp hồi hương đặc biệt, chính thức tái ngộ người hâm mộ nước nhà, hoạ sĩ Hom Nguyễn đã nói rằng: “Tôi rất vinh dự khi có mặt ở đây – sự kiện khai trương Berluti tại Việt Nam. Cảm ơn S&S Group đã mang đến cho tôi cơ hội này. Berluti truyền cảm hứng cho tôi khi tôi bắt đầu nghệ thuật Patina – tôi muốn gửi lời cảm ơn bà Olga, cảm ơn nghệ thuật Patina đã chắp cánh cho giấc mơ của tôi. Thật tự hào vì Berluti đã chính thức có mặt tại Việt Nam!”

Loading...

Tin liên quan