Chị A (28 tuổi) đang sống và làm việc ở TP.HCM, là nạn nhân trong một gia đình có người thứ 3 xen vào. Theo lời kể, bố mẹ chị quen nhau gần 8 năm trước khi kết hôn. Mẹ chị tính cách hiền lành, nhu nhược, trong khi ba chị lanh lợi khi lặn lội trong thương trường. Vì tính cách trái ngược, nên cả hai không tìm được tiếng nói chung. Ông tìm đến những người phụ nữ khác vì cho rằng họ hơn vợ về mọi mặt.
Năm chị A được 6 tuổi, mẹ chở chị và em trai 2 tuổi đi bắt ghen. Mẹ nói đi tìm ba vì ông nhiều ngày không về nhà. Hình người phụ nữ khác ngồi lên đùi ba mãi ám ảnh trong kí ức của chị suốt hơn 20 năm.
Phát hiện cảnh tình tứ của đôi gian tình, người mẹ không kìm được cơn giận, nhưng chưa kịp lao vào đánh ghen thì đã bị ông hành hung trước. Ba mẹ đánh nhau và cự cãi trước mặt các con. Ông bà ngoại cũng đến và mời công an vào cuộc. Vì đã chịu đựng quá nhiều, mẹ quyết định ly dị. Khi ấy, cả hai giải quyết nhanh vì không có tài sản chung. Chị A theo mẹ, còn em trai sống cùng ba.
Cuộc hôn nhân sụp đổ khiến tâm lý của mẹ ảnh hưởng nặng nề. Một lần đi xin việc, mẹ gặp tai nạn xe, bị thương rất nặng ở chân. Chị A bất giác gọi cho ba thì ông đến và ném xấp tiền vào mặt mẹ. Ông bảo mẹ đừng dùng cách này để níu kéo ông trở lại. Ba không cho mẹ gặp em trai, những lúc nhớ con, mẹ chị thường trốn sau cột điện trước nhà, để nhìn con trai, vì khi lộ mặt, mẹ sẽ bị ba đánh.
Khoảng thời gian sống chung với mẹ đọng lại trong chị A là những kí ức tuổi thơ kinh hoàng. Chị nghẹn ngào kể lại: “Sau 3 – 4 năm ba mẹ ly hôn, tôi bị trầm cảm. Mẹ không đánh tôi nhưng chỉ ngồi trước mặt tôi dọa tự tử. Mẹ cầm thuốc định uống, nhìn tôi rồi lại cất thuốc vào. Mẹ đập đầu vào tường… Mẹ dùng mọi cách để kết liễu cuộc sống, có lúc mẹ phải truyền hơn 20 chai nước biển mới hồi sức lại được. Mẹ nhốt mình trong nhà”.
Năm 9 tuổi, người cậu phát hiện chị A có dấu hiệu trầm cảm khi tự chơi và tự cấu vào người, tự làm đau bản thân. Bà ngoại đã tìm bác sĩ tâm lý đến tận nhà điều trị cho chị.
Chưa dừng lại ở đó, những nỗi đau khi gia đình ly tán lại tiếp tục ảnh hưởng đến em trai nhỏ. Chị A ứa nước mắt kể: “Khi em trai được 5 tuổi, một lần đón em về nhà chơi, mẹ phát hiện những vết bầm khắp thân thể của em. Em bị bạo hành bởi mẹ kế suốt thời gian dài”. Thương cháu, ông bà nội đã đưa cháu trai về chăm sóc.
Đến năm chị A lên lớp 7, ba chị ly dị với vợ sau vì vấn đề kinh tế. Ông tỏ ý muốn trở lại với vợ cũ. Chị đã theo dõi ba suốt nhiều năm và bắt gặp ông nhiều lần lén lút với người thứ 3 ngay cả khi người vợ sau đang sinh con. Lúc ông kiếm được nhiều tiền, ông chỉ tận hưởng cho bản thân. Khi ông hết tiền, ông lại tìm về mẹ chị. Mặc cho chị cương quyết phản đối nhưng mẹ chị vẫn đồng ý quay lại.
“Thời điểm đó, chính tôi lại là người đi theo dõi ba mẹ tôi hẹn hò. Tôi biết mục đích của ông là tiền của mẹ chứ không xuất phát từ tình cảm, và gọi cho ông bà ngoại kéo mẹ về. Những lần gặp gỡ đó, ba mượn rất nhiều tiền của mẹ, và mẹ phải đi mượn nợ bên ngoài cho ông. Khi không thể mượn thêm, ông quay đi bỏ mặc mẹ một lần nữa”, chị nghẹn lòng kể lại.
Khi ấy, chị “ghét sự nhu nhược của mẹ”. Khi mẹ chị A đón con trai về nuôi, vì muốn bù đắp tình cảm cho con trai mà mẹ chị nuông chiều em bất chấp. Dần dần, em chơi với bạn xấu và đi đến con đường “nghiện ngập”.
Chị A bức xúc: “Những năm lớp 11, tôi chỉ xem nhà là nơi để ngủ. Tan học là tôi đến phòng net chơi game đến tối mịt mới về nhà ngủ. Mẹ đêm nào cũng thức đến gần sáng để chờ con trai về. Mẹ vừa lo cho ông bà ngoại bị bệnh, vừa lo cho đứa con trai lêu lổng. Lúc đó tôi ghét mẹ lắm! Đến năm 2014, tôi bắt đầu đi làm cũng là lúc phát hiện em trai mình bị nghiện. Ban đầu tôi giấu mẹ nhưng cuối cùng cũng không giấu được nữa khi công an phường liên lạc gia đình”.
Theo chị A, giải pháp tốt nhất lúc đó để giúp em trai cai nghiện là tách rời mẹ ra. Chị sợ mẹ cưng chiều em sẽ không đủ cứng rắn để em chữa trị. Em phải ở một nơi riêng biệt. Lúc đó chị A cũng phải đi làm nên không thể chăm sóc em 24/24 được. Vì vậy, chị A mới nhờ ba chị ở chung. Nhưng chị không ngờ, người ba đốn mạt lại một lần nữa lợi dụng tình trạng nghiện ngập của con trai mà vòi tiền mẹ hết lần này đến lần khác.
Đến lúc này, mẹ chị A mới nhận ra rõ bản chất xấu xa của người chồng cũ, và bà đã tự thoát ra khỏi mối quan hệ độc hại này.
Ám ảnh về gia đình tan vỡ khiến chị A không còn tin vào chuyện tình cảm, hay cuộc sống hôn nhân. Năm 2014, chị A có quen bạn trai nhưng quyết định chia tay. Chị tự ti về hoàn cảnh gia đình, và có ý định sẽ làm mẹ đơn thân và không muốn lập gia đình.
Tiến sĩ Tô Nhi A đưa ra lời khuyên cho chị A:“Mỗi người chúng ta phải tự tin vào bản thân và kiên trì, không có sự hồi phục nào diễn ra nhanh, cần có thời gian và người đồng hành cùng với mình để cùng vượt qua những chấn thương tâm lý tuổi thơ”.
Người thứ 3 tập 45
“Người thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20:00 thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show và App Jtivi.
Theo Người Hà Nội