ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI

Những câu chuyện về rừng

By Ban Giải Trí

April 07, 2022

Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Cậu bé rừng xanh (The Jungle Book, bản 1967), chú gấu Baloo đã nói rằng: “Họ có thể lấy Mowgli ra khỏi rừng, nhưng không thể lấy rừng ra khỏi Mowgli”

Nhân vật chính Mowgli được nuôi lớn bởi muông thú trong rừng già. Sau này, khi đã trở về sống với người dân trong làng, cậu vẫn không thể nào quên được cánh rừng già nơi cậu khôn lớn. Câu chuyện của Mowgli cũng chính là câu chuyện của loài người. Chúng ta tiến hóa từ rừng, được rừng nuôi nấng bao bọc trong hàng ngàn năm. Ngày nay, khi đã quen sống giữa những tòa cao ốc, ta vẫn không thể nào tách mình ra khỏi tầm ảnh hưởng của những cánh rừng.

Rừng già và đất nước  

Đất nước xinh đẹp của ta cong cong hình chữ S, thắm nồng hương lúa trên các miền quê, xanh xanh màu những cánh rừng già rộng lớn. Rừng Tây Bắc mọc trên những sườn núi hiểm trở, quanh năm hứng chịu giá sương. Rừng đầu nguồn miền Trung bao đời xoa dịu mưa gió bão bùng. Rừng ngập mặn miền Tây bao la, tự hào là “lá phổi xanh” của toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Dù được tạo thành từ những loài cây khác nhau, nhưng những cánh rừng vẫn có chung một sứ mệnh to lớn – sứ mệnh làm nên đất nước.

Hai cá thể sếu trong rừng ngập mặn Năm Căn. Nguồn: Việt Nam Forestry

Trong câu chuyện ông kể ngày xưa, có làn khói trắng của bếp Hoàng Cầm chảy lên lá rừng như dòng sữa, có em du kích nhỏ chạy dưới những tán cây, có màu lá rừng biếc xanh như màu thanh xuân của những người ra trận. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Trong câu chuyện bố kể hôm nay, có cánh rừng đẹp đẽ diệu kỳ như xứ sở thần tiên con hằng mơ mộng. Đó là khu rừng có chim chóc ríu rít ngày đêm, có thác ghềnh hùng vĩ, có đàn bướm trắng hàng trăm con bay chập chờn như tuyết rơi giữa những tháng hè. Rừng là nơi bảo tồn sinh thái quý giá, đồng thời tặng cho đất nước những cảnh quan đẹp để khai thác và phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh nước nhà cho bè bạn khắp năm châu.

Cảnh đẹp như bước ra từ thần thoại của rừng thông Bản Áng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Nguồn ảnh: toplist.vn

Rừng trẻ và chúng ta 

Những cánh rừng trong câu chuyện của ông, của bố đã có từ rất lâu và đã được người đi trước giữ gìn qua nhiều thế hệ. Ngày nay, chúng ta may mắn được hưởng thụ di sản ấy thì ắt phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và cải thiện sức sống của rừng. Bên cạnh việc lắng nghe câu chuyện của người xưa để thấu hiểu rừng, người trẻ còn có sứ mệnh viết tiếp những câu chuyện đó bằng chính đôi bàn tay của mình.

Trước dịch bệnh nguy hiểm, ta hiểu sâu sắc một điều rằng rằng, còn có thể hít thở là điều may mắn biết nhường nào. Thế nhưng, khi dịch bệnh đã trở nên “quen thuộc” với cộng đồng, ta nhận ra rằng chỉ hít thở thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta còn cần phải được hít thở trong một bầu không khí sạch sẽ, trong lành. Đó cũng chính là một chương mới trong câu chuyện về rừng của thế kỷ 21, cũng là chương mở đầu cho câu chuyện về cuộc hành trình “Menard tri ân Thiên nhiên” trong thời kỳ Covid và Hậu Covid. Chừng nào chúng tôi còn được thở, chừng đó chúng tôi còn biết ơn những cánh rừng.

Nắng rơi trên một vầng hoa dại trong Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. Nguồn ảnh: toplist.vn

Rừng của mai sau

Tiếp nối những gì đã làm được ở dự án Rừng Việt Nam: 26.000 cây sa mộc tại Vị Xuyên (Hà Giang), 5500 cây sao đen ở Khu bảo tồn Tà Kóu (Bình Thuận), Menard kết nối với những cán bộ ở Vườn Quốc gia Cúc Phương – nơi không chỉ có câu chuyện thâm sâu của rừng thiêng, còn có ánh mắt trong trẻo của hàng nghìn cá thể động vật được cứu hộ từ khắp cả nước, có bóng lưng cần mẫn dưới tán rừng của những cán bộ làm công tác bảo tồn.

Chúng tôi đồng hành cùng nhau trong hành trình “hồi sinh” các cá thể nguy cấp; cứu hộ, chăm sóc cho đến khi chúng đủ điều kiện để trở về với sinh cảnh tự nhiên. Menard tin rằng, chứng kiến khoảnh khắc ấy – thời điểm bắt đầu của một cuộc đời mới an toàn, rộng mở – mỗi người trong chúng ta sẽ giữ lại cho riêng mình những rung cảm đặc biệt, thương mến, tự hào vì mình đã làm được điều nhỏ bé cho hệ sinh thái rừng thêm bền vững.

Cá thể rùa quý hiếm được kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Nguồn ảnh: Vườn quốc gia Cúc Phương

Cũng trong sự kiện “Về rừng” lần này, Menard đồng thời trở thành nhà tài trợ của Giải chạy Marathon băng rừng – Cuc Phuong Jungle Paths – hành trình đi vào sâu trong lõi của rừng để cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp được tạo nên bởi hệ sinh thái đa dạng nơi đây, từ đó cảm nhận sâu sắc và ý thức hơn nữa về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

Rừng có trong những câu chuyện kể của cha mẹ ông bà ta ngày xưa, cũng sẽ xuất hiện trong những câu chuyện tương lai mà chúng ta đang cùng nhau tạo dựng. Nó là một phần của quê hương xứ sở, cũng là một phần trong sức khỏe và cuộc sống của mỗi người chúng ta. Những chiều cuối Xuân, nhìn ra phố phường khói bụi, xem dòng người vội vã lướt qua, Menard biết được rằng chúng ta đang cần rừng hơn bao giờ hết.

Theo Người Hà Nội