Với kinh phí sản xuất lên đến 31 tỉ Won, bom tấn “Thủy Chiến Đảo Hansan” không làm người xem thất vọng khi đưa trận đánh vĩ đại, thuộc hàng kinh điển nhất nhì lịch sử ngành hàng hải của Đô đốc Triều Tiên (Joseon) Yi Sun Shin lên màn ảnh rộng.
Poster “Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy.”
Năm 2014, Roaring Currents (Đại Thuỷ Chiến), bom tấn tái hiện trận đánh Myeongnyang của Đô đốc Triều Tiên Yi Sun Shin từng tạo nên cơn sốt ở Hàn Quốc, đồng thời lọt vào danh sách những tác phẩm có doanh thu phòng vé cao nhất nước này. Trước sự thành công vượt ngoài mong đợi, đạo diễn Kim Han Min liền ấp ủ việc thực hiện tiếp phần phim thứ hai xoay quanh cuộc đời vị danh tướng ấy.
Sau gần một thập niên nhào nặn, dự án Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy (Hansan: Rising Dragon, viết tắt: Hansan) do ông cầm trịch cuối cùng cũng ra mắt và nhanh chóng đón nhận cơn mưa lời khen từ giới phê bình. Theo chuyên trang Kobis, bom tấn trên hiện đã vượt qua mốc hòa vốn, thu hút hơn 6 triệu khán giả Hàn Quốc lẫn vẫn chễm chệ nằm trong top 3 điện ảnh ăn khách đang trình chiếu tại rạp.
Trailer “Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy.”
Lấy bối cảnh 5 năm trước các sự kiện ở Roaring Currents, Hansan kể về bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh Nhâm Thìn (1592 – 1598), giúp nhà Triều Tiên (Joseon) thoát khỏi số phận bại vong dưới tay quân xâm lược Nhật Bản. Đó là trận thủy chiến ngoài khơi đảo Nhàn Sơn, nơi Yi Sun Shin (Park Hae Il) đập tan hạm đội tinh nhuệ bên phía đối phương, cũng như cắt đứt đường tiếp tế lương thực trọng yếu của chúng.
Khác hẳn “phép màu Myeongnyang” khi vị Đô đốc họ Yi chỉ có vỏn vẹn 12 chiến thuyền và phải chống chọi với kẻ địch đông gấp 11 lần mình, trận Nhàn Sơn diễn ra vào giai đoạn lực lượng hải quân Triều Tiên vẫn còn hùng hậu, thậm chí vang danh toàn cõi Á Châu bấy giờ nhờ nắm giữ kỹ thuật đóng tàu lẫn đúc pháo thần công tiên tiến.
Bộ phim tái hiện lại trận thủy chiến Nhàn Sơn kinh điển của Đô đốc Yi Sun Shin.
Vì thế, cuộc giao tranh trên biển trong phần tiền truyện sở hữu quy mô hoành tráng hơn Roaring Currents rất nhiều. Cộng thêm kinh phí sản xuất khủng (khoảng 31 tỷ Won) cùng thời lượng lên tới 51 phút, đạo diễn Kim Han Min sẽ làm thỏa lòng đông đảo khán giả bằng đại tiệc cháy nổ hết sức mãn nhãn, có chất lượng kỹ xảo chẳng kém cạnh gì bom tấn sử thi Hollywood.
Cụ thể, xuyên suốt 2 tiếng trình chiếu, Hansan liên tục chiêu đãi thị giác người xem qua nhiều cú máy toàn (wide shot) choáng ngợp, phần kỹ xảo mãn nhãn chẳng kém cạnh gì mấy bom tấn sử thi Hollywood hay các đại cảnh chiến đấu hoành tráng được dàn dựng công phu, huy động hàng trăm diễn viên quần chúng trải dài từ mặt biển tới đất liền.
Bên cạnh đấy, trận Nhàn Sơn phiên bản điện ảnh còn ghi điểm bởi lối đánh đề cao tính chiến thuật từ cả hai vị tướng thống lĩnh hạm đội Triều Tiên, Nhật Bản. Nếu thường xuyên tìm hiểu về kiến thức quân sự, bạn sẽ không khỏi thích thú lúc chứng kiến cách Yi Sun Shin triển khai Hạc Dực trận công thủ linh hoạt, hay việc chỉ huy phía địch Wakisaka (Byun Yo Han) dùng đội hình Ngư Lân để áp sát tàu chiến Triều Tiên.
Trận đánh kéo dài 51 phút ghi điểm bởi độ hoành tráng và đề cao tính chiến thuật.
Là nhân tố được trông đợi bậc nhất, Quy Bối thuyền (tàu mai rùa) trong Hansan gây ấn tượng mạnh nhờ thiết kế kì lạ, bám sát theo ghi chép lịch sử. Do Yi Sun Shin dày công cải tiến từ lớp thuyền Triều Tiên truyền thống nhằm khắc chế phương thức tấn công kiểu “hải tặc” của lính Nhật, nên trường đoạn “quái vật biển” thời Joseon tham chiến, xé toạc đội hình địch quân đem lại cảm giác cực kì phấn khích.
Mặc dù sở hữu sức mạnh hủy diệt, tuy nhiên, thay vì chọn tô hồng khí tài độc nhất vô nhị ấy, đạo diễn Kim Han Min vẫn nhìn thẳng vào sự thật rằng ngoài những ưu điểm vượt trội, Quy Bối thuyền cũng tồn tại không ít điểm yếu. Qua đó, bộ phim khéo léo cho thấy tài trí đáng gờm ở Wakisaka, kẻ đối đầu với danh tướng họ Yi xuyên suốt câu chuyện lần này.
Tàu mai rùa có tạo hình bám sát ghi chép lịch sử lẫn màn phô diễn sức mạnh ấn tượng.
Chẳng hề “dìm hàng” tuyến phản diện giống như phần đông các tác phẩm Hàn Quốc khai thác đề tài chiến tranh kháng Nhật, Wakisaka Yasuharu khác xa hình tượng mấy tay chỉ huy kiêu ngạo, ngu dốt nhưng lại vô cùng hống hách. Dưới lăng kính của ekip Hansan, nhân vật trên rất nhạy bén, luôn phân tích tình hình cẩn thận, thăm dò kỹ lưỡng thực lực đối phương trước khi đưa ra bất kì quyết định nào.
Nhờ tôn trọng hình tượng nhân vật lãnh đạo hải quân Nhật Bản, một tướng quân nổi tiếng thời Chiến Quốc, theo đúng miêu tả trong sử sách, đứa con tinh thần do đạo diễn Kim Han Min cầm trịch vừa khiến cuộc đại thủy chiến thêm phần gay cấn khó lường, vừa giúp người xem hiểu rõ tài năng và phẩm chất đáng ngưỡng mộ nơi vị anh hùng vĩ đại họ Yi.
Nhân vật phản diện Wakisaka Yasuharu có tài trí và giỏi mưu lược không kém cạnh gì Yi Sun Shin.
Trái ngược hẳn vẻ khắc khổ, suy tư mà quả cảm ở Roaring Currents, Yi Sun Shin thời trẻ qua màn hóa thân của Ảnh Đế Rồng Xanh Park Hae Il trong Hansan là nhà chiến lược gia cực kì tài giỏi. Dẫu thuộc tuýp người kiệm lời, thế nhưng với ánh mắt cương nghị cùng thái độ điềm tĩnh, khán giả sẽ cảm nhận được rằng mọi diễn biến trên chiến trường đều không nằm ngoài những gì mà ngài ấy dự liệu.
Chưa kể, bộ phim còn thể hiện lòng yêu nước, cũng như thái độ công tư phân minh của Đô đốc Yi khi sẵn sàng bất tuân mệnh lệnh từ triều đình nhằm đảm bảo thắng lợi cho quê nhà, hay chẳng ngại trọng dụng những người giữ quan điểm đối lập, miễn họ thực sự có năng lực và mong muốn giữ gìn bờ cõi khỏi quân xâm lược.
Hình tượng Đô đốc Yi Sun Shin được phim khắc họa có chiều sâu.
Nhìn chung, đứa con tinh thần của đạo diễn Kim Han Min sở hữu chất lượng hoàn toàn tương xứng với khoảng kinh phí đầu tư khổng lồ. Gây ấn tượng từ phương diện hành động, hình ảnh cho đến diễn xuất, bom tấn Hansan là món ăn tinh thần đáng để các fan dòng phim lịch sử, sử thi bỏ tiền thưởng thức.
Phim Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy (Hansan: Rising Dragon) khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 26/08/2022.