Công chiếu từ 11/2, Chuyện Ma Gần Nhà gây chú ý khi tạo ra một thế giới của các thế lực quỷ dị dựa trên các truyền thuyết đô thị Việt Nam. Hóa trang là một phần quan trọng mang đến sự ghê rợn và ám ảnh của phim.
Cả ba câu chuyện đều có những phân cảnh cần đến hóa trang, như lúc nhân vật của Lê Bê La bị tạt acid, cảnh trong hầm ngục (câu chuyện 1), lúc nhân vật của Mạc Can hóa ông hề, lúc cô gái bị phóng dao vào mắt (câu chuyện 2), hay khi cô Bích (Vân Trang) bị rượt đuổi với gương mặt đầy máu (câu chuyện 3).
Đảm nhận phần hóa trang là chuyên gia Tony Nguyễn Art, cũng từng làm Rừng Thế Mạng. Dù đoạn tạt acid chỉ xuất hiện vài giây trên màn ảnh, ê-kíp mất đến hai giờ để làm gương mặt của Lê Bê La. Yêu cầu của phân đoạn này là phải thể hiện được sự ghê gớm của gương mặt cô gái sau khi bị tạt acid.
Còn về gương mặt bị lột da của Khả Như, Tony chia sẻ: “Mình phải làm sao cho nhìn vào giống như da mặt bị lột thật, từ phần cơ mặt, mỡ, cho tới các phần da non, chất nhầy. Nó phải giống như một khuôn mặt bị lột da thực sự, đối với tôi nó thật sự là một thử thách”. Khi làm cảnh đó, anh tạo khối trước, từ những phần cơ xương, các hốc trên gương mặt bằng silicon để cố định những cái khung, cái khối của gương mặt. “Mình bắt đầu tạo từ những phần hốc trên gương mặt, rồi đến cơ, da mặt, rồi tới máu, phải chú ý đến cả màu sắc máu”, anh cho biết.
Một trong những cảnh khó nhất là đoạn nhân vật của Huỳnh Thanh Trực phóng dao vào đôi mắt của cô gái trong rạp xiếc. Chuyên gia hóa trang giải thích: “Nếu ở nước ngoài, những cảnh như vậy họ sẽ làm kỹ xảo. Làm hóa trang thì khó lắm, vì để đạt hiệu quả thì phải định hình được hai con dao ở trên đôi mắt của cô gái. Chất liệu mình dùng phải cố định được hai con dao để người xem cảm nhận được con dao rất thật khi cắm vào mắt”. Trên trường quay, Tony tạo ra hai con dao giống thật nhưng trọng lượng rất nhẹ, nhằm đạt hiệu quả khi cố định vào hai mắt. Toàn bộ quá trình mất khoảng hơn một tiếng.
Phân cảnh Vân Trang mặt bê bết máu lại có thử thách khác. Ê-kíp, gồm cả khâu hóa trang và phục trang, phải đảm bảo mọi thứ ăn khớp với nhau. Họ phải làm chuẩn xác, hạn chế số lần quay để Vân Trang giữ được cảm xúc nhân vật. Ở cảnh này, Tony muốn mang lại cảm giác gương mặt có những tia máu, giọt máu chảy từ trên đầu chảy xuống. Anh “tưới” máu giả lên đầu nữ diễn viên trước khi ra trước ống kính. “Khi Vân Trang lê lết trên nền nhà, vừa ngước mặt lên thì máy quay sẽ vào góc cận gương mặt bê bết máu và biểu cảm của cô ấy. Trên màn ảnh rộng, tôi hài lòng khi nhìn lại thành quả của mình, cộng thêm thần thái của Vân Trang nên cảnh đó rất tuyệt vời”.
Trần Phong cũng phải hóa trang để có gương mặt biến dạng như zombie cho tình tiết bất ngờ của phim. Đây là cảnh quay đêm và diễn viên trẻ đã thức đêm hóa trang trong ba tiếng để kịp bắt đầu cảnh quay lúc 4h sáng. Anh chia sẻ chính mình thấy ớn lạnh khi nhìn gương mặt đã hóa trang. Đây là phim thứ hai liên tiếp mà ngôi sao điển trai này phải hóa trang thành một người chết, sau Rừng Thế Mạng.
Theo người Hà Nội