Trong tháng Ba, màn ảnh rộng Việt chào đón tác phẩm mới của đạo diễn Lê Văn Kiệt (Hai Phượng) – Bóng Đè. Là phim Việt đầu tiên khai thác chủ đề còn gây tranh cãi, Bóng Đè khiến khán giả háo hức ngay từ khi những thông tin đầu tiên về phim được hé lộ. Phim kể về câu chuyện ba cha con Thành, Linh và Yến chuyển về một ngôi nhà nhỏ sau biến cố gia đình. Tại đây họ phải đối mặt với hàng loạt hiện tượng ghê rợn, đẩy họ vào vòng xoáy sợ hãi không lối thoát. Sau buổi công chiếu dành cho báo giới và khách mời, phim nhận về những phản ứng tích cực nhờ vào bầu không khí tâm linh, u ám cùng diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên Quang Tuấn, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi và Diệu Nhi.
Chủ đề độc đáo và bối cảnh đậm chất Việt
Bóng đè vốn từ lâu đã không phải một hiện tượng xa lạ. Thực tế, bóng đè được biết đến với thuật ngữ khoa học sleep paralysis, nghĩa là “chứng liệt khi ngủ”. Tuy đã có những lý giải về bóng đè từ góc độ khoa học, nhưng trong quan niệm người Việt, đây vẫn là hiện tượng gắn nhiều với các yếu tố tâm linh.
Bóng Đè là tác phẩm được Lê Văn Kiệt lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm bóng đè thời thơ ấu của anh. Với những trải nghiệm của cá nhân, vị đạo diễn gốc Việt mong muốn kể câu chuyện dưới một góc nhìn mới lạ, độc đáo và hơn hết, chân thật, khiến khán giả dễ dàng liên hệ và đồng cảm.
Lớn lên tại Mỹ và tốt nghiệp UCLA – một trong những trường Đại học danh giá bậc nhất thế giới, Lê Văn Kiệt có phong cách làm phim mang đậm chất Hollywood, khá “Tây” so với mặt bằng chung các tác phẩm Việt hiện tại. Tuy nhiên, vị đạo diễn này lại đặc biệt yêu thích bối cảnh Việt Nam. Các phim của Lê Văn Kiệt trước đây, đặc biệt là Dịu Dàng và Hai Phượng, đều khắc họa rất thành công bối cảnh làng quê Việt và cuộc sống sinh động của con người trong bối cảnh ấy. Bóng Đè, tác phẩm mới nhất của anh, cũng không phải ngoại lệ.
Để thực hiện Bóng Đè, êkíp đã lựa chọn một vùng quê ở Hội An, nơi mà quang cảnh thiên nhiên và thôn xóm vẫn còn giữ nguyên những nét mộc mạc, yên bình, ít bị tác động bởi công nghiệp hay máy móc hiện đại. Trong căn nhà của ba cha con nhân vật chính, các đồ vật được bài trí cũng rất quen thuộc, với võng mây, bàn thờ gia tiên, cửa chớp… Đạo diễn Lê Văn Kiệt đã áp dụng rất tốt lợi thế của phim kinh dị Việt: đánh thức nỗi sợ trong tiềm thức của khán giả bằng những gì thân thuộc nhất.
Hình ảnh, âm thanh đặc sắc
Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Bóng Đè nằm ở khả năng chỉ đạo nghệ thuật nổi bật của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Mang phong cách làm phim rất “Tây” của mình vào bối cảnh Việt, anh mang tới cho Bóng Đè cảm giác mới lạ, đột phá so với những phim kinh dị theo công thức của điện ảnh Việt trước đây. Sự sợ hãi trong phim của Lê Văn Kiệt không chỉ đến từ những pha jumpscare (hù dọa) đặc sản, mà xuất phát từ chính bầu không khí u ám, quỷ dị của bộ phim. Một mặt, anh ngợi ca sự yên bình của làng quê; mặt khác, anh lại khiến khán giả có phần lạnh gáy với sự âm u, tĩnh lặng của nơi đây.
Phần đầu phim có tiết tấu chậm, song với những góc máy sáng tạo, cách chuyển cảnh hợp lý, màu phim đẹp, khán giả không cảm thấy quá mệt mỏi với Bóng Đè. Họ kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện Lê Văn Kiệt kể, dõi theo từng sự thay đổi của hai chị em Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) từ khi chuyển vào ngôi nhà kỳ lạ này. Motif nhà ma cộng với phong cách làm phim của Lê Văn Kiệt sẽ khiến khán giả phần nào liên tưởng tới loạt phim Conjuring làm mưa làm gió Hollywood.
Âm thanh cũng là một điểm nổi bật khác của Bóng Đè. Phim tận dụng những âm thanh quen thuộc của phim kinh dị như tiếng cửa kẽo kẹt, tiếng bước chân… nhằm mang đến cảm giác căng thẳng cho người xem. Những tiếng thầm thì, tiếng khóc tiếng cười vảng vất liên tục suốt bộ phim là sự độc đáo của riêng bộ phim nhằm phục vụ cho mạch truyện chính. Tất cả các yếu tố hình ảnh, âm thanh xuất sắc đã tạo nên một Bóng Đè không chỉ khiến khán giả phải giật mình hét lên, mà khiến họ nổi da gà xuyên suốt bộ phim.
Dàn diễn viên tỏa sáng
Ấn tượng lớn nhất của khán giả về Bóng Đè nằm ở dàn diễn viên. Đều là những cái tên đã có tiếng tăm về diễn xuất như Quang Tuấn, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi hay Diệu Nhi, họ dễ dàng nắm bắt được nhân vật của mình và thể hiện nét đặc trưng, sự phát triển của nhân vật đó.
Hai diễn viên nhận được nhiều lời tán dương nhất là Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi. Tuy nhỏ tuổi nhất, cả hai lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bộ phim, gần như là người dẫn dắt khán giả khám phá từng bước ngoặt trong toàn bộ câu chuyện của Bóng Đè. Hai cô bé thể hiện hình tượng đối lập nhau, một u ám trầm buồn, một lí lắc nhí nhảnh, nhưng đều sở hữu thế giới nội tâm phức tạp, dễ tổn thương nhưng nỗ lực học cách trở nên mạnh mẽ trước tai họa ập xuống gia đình mình.
Quang Tuấn và Diệu Nhi có phần lép vế hơn hai diễn viên nhí trong tổng thể bộ phim, nhưng nhìn chung họ vẫn khá tròn vai với nhân vật của mình. Quang Tuấn phải vào vai “gà trống nuôi con” khi ngoài đời lúc đó, vợ anh mới chỉ mang bầu mấy tháng, nhưng anh đã thể hiện tốt hình ảnh người cha dù chìm trong u uất, đau thương nhưng vẫn cố gắng mang đến những gì tốt đẹp nhất cho hai cô con gái. Diệu Nhi đã có màn lột xác khỏi hình tượng hài hước thường ngày để vào vai một nữ bác sĩ tâm lý bí ẩn. Sự thể hiện này của Diệu Nhi cho thấy cô hoàn toàn có khả năng đảm nhận những vai diễn đa dạng, giàu chiều sâu.
Tổng hòa về ý tưởng, hình ảnh và diễn xuất, Bóng Đè là phim Việt mà khán giả không nên bỏ qua trong tháng Ba. Bóng Đè hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Người Hà Nội