Ở độ tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi, hai người đàn ông U70 tại Bạc Liêu và Sóc Trăng vẫn là trụ cột chính của gia đình, vừa nuôi con bị bệnh lại phải bươn chải kiếm tiền lo cho cháu ăn học khiến khán giả xót xa.
Hành trình “Chuyến xe nhân ái” tuần này đã dừng chân tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Sau chuỗi ngày lênh đênh, vất vả với đủ nghề làm thuê làm mướn, chú Lê Văn Ý ngụ xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu bắt đầu gắn bó với nghề thu mua củi, hy vọng sẽ thoát cảnh nghèo khó.
Lúc mới vào nghề, vốn liếng của chú Ý là đồng tiền ít ỏi được vay mượn của bà con để mua lại chiếc ghe cũ từ người thân. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chú phải nuôi thêm đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi học do mẹ của cháu đã không may qua đời. Được biết, người con dâu út của chú 2 năm trước mất do ung thư phổi, con trai út cũng mắc chứng lao phổi, sức khỏe suy kiệt nghiêm trọng.
Gánh mưu sinh giờ đây đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người đàn chú đã ở tuổi 66. Để có tiền trang trải miếng ăn hàng ngày, chú Ý chỉ còn cách đi cưa cây thuê đầy nguy hiểm. Sau mỗi chuyến hàng kéo dài gần một tuần lễ, chú Ý chỉ có thể kiếm được từ bốn đến năm trăm ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt và tiền học cho cháu.
Chú Ý trầm tư kể về những vất vả đời mình: “Tôi vác gỗ từ sáng cho tới chiều, vác chừng nào cho xong mới thôi chứ không để qua ngày hôm sau. Ngày làm không xong thì đêm cũng phải làm. Công việc cứ vậy cho hết tháng này qua năm khác”. Với thu nhập ít ỏi, dù rất thương cháu nhưng vợ chồng chú Ý chỉ có thể mua được cho cháu 2 bộ đồ để mặc đi học cả năm. Cứ mỗi lần thấy cháu đi học về lại chạy đi giặt quần áo ngay để hôm sau có đồ mặc lại khiến cho vợ chồng chú quặn lòng.
Không chỉ thế, phương tiện mưu sinh của chú Ý cũng bắt đầu hư hỏng nặng sau nhiều năm “lao động”. Chú chia sẻ: “Chiếc ghe giờ cũng đã mục cũ, bánh lái cũng bị hỏng, dàn thiếc dưới đáy ghe cũng mục nên nước tràn hết vào cả ghe. Giờ sửa lại cái cũng phải tốn cỡ mười mấy, hai mươi triệu lận”. Chính vì thế, mơ ước của chú Ý là có một số vốn tu sửa lại chiếc ghe để trở lại với nghề mua củi.
Cũng giống như hoàn cảnh chú Ý, làm trụ cột gia đình khi tuổi đã lớn là câu chuyện của ông Nguyễn Hoàng Dũng, 68 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Một mình chú Dũng kiếm tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình, trong đó cô con gái Nguyễn Thị Anh Thư lại không may đang mắc bệnh tâm thần. Không chỉ thế, chú còn phải cưu mang luôn 2 đứa cháu là Như Huỳnh và Như Lan – con gái chị Thư.
Chú Dũng kể lại: “Gả con gái đi chỉ mong cho con hạnh phúc, yên bề gia thất. Tôi cũng không ngờ vợ chồng nó gãy gánh, con gái tôi buồn quá nên bị trầm cảm nặng. Phận làm cha, mình nuôi con gái rồi nuôi luôn 2 đứa cháu”.
Vừa chăm cháu thay cho con gái, vừa phải chạy vạy lo cho miếng ăn hàng ngày, nên dù đã hơn 3 năm bị căn bệnh hở van tim hành hạ, chú Dũng vẫn chưa một lần đến bệnh viện thăm khám. San sẻ cùng chồng gánh nặng mưu sinh, bà Nguyễn Thị Lệ dù tuổi già sức yếu vẫn phải bôn ba lên TP.HCM giúp việc nhà và gửi tiền về để chồng lo tiền thuốc cho con.
Chú Dũng nói trong nước mắt: “Tôi có chạy xe ôm thì cũng có lúc có khách, có lúc không ai đi. Có khi cả ngày mà chỉ chạy được 1, 2 cuốc xe. Thu nhập thấp nhưng cũng chịu thôi vì giờ già rồi cũng không có ai thuê mướn gì”.
Trước đây, chú Dũng cũng muốn cuộc sống khấm khá hơn khi chọn nghề thu mua trái cây, nhưng nhiều lần làm ăn thất bát, tài sản duy nhất là mảnh đất cũng phải bán để trả nợ. Căn nhà đã được xây hơn 20 năm của cả gia đình cũng vừa sụp đổ vì mưa bão, mấy tháng nay cả nhà chú phải dời ra ở trọ tại thị trấn An Lạc Thôn. Ước mơ của chú Dũng là có một số tiền để thuê mặt bằng vừa buôn bán trái cây, vừa làm chỗ để ở.
Hiểu được khó khăn đó, Chuyến xe nhân ái đã tìm đến gia đình của chú Ý và chú Dũng để trao cho họ một cơ hội, giúp họ thực hiện mơ ước và vượt qua giai đoạn khó khăn. Với những thử thách được thiết kế dựa trên công việc quen thuộc của 2 gia đình, đã giúp chú Ý và chú Dũng mang về được số tiền thưởng lớn.
Chương trình Chuyến xe nhân ái được phát sóng lúc 19g15 thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1 do Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Bài, ảnh: Bee Comm