Âm nhạc đã giúp giúp anh Trần Minh Lai, một người đàn ông khiếm thị có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống và chăm lo cho vợ con từ chính tài nghệ đàn hát của mình.
Anh Trần Minh Lai (46 tuổi) sinh ra trong một gia đình làm nông ở tỉnh Bình Thuận. Khi anh Lai vừa tròn 8 tháng tuổi, căn bệnh sốt phát ban đã cướp đi của anh đôi mắt sáng, khoảng trời tuổi thơ từ đó ngập chìm trong bóng tối. Nhưng may mắn anh có khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt, những âm thanh đơn giản từ chiếc trống do cha làm hoặc tiếng ghi-ta của người hàng xóm đã làm anh Lai thích thú và khao khát được chinh phục nó. Đến 9 tuổi, anh Lai được cha gửi vào trường dạy nghề cho người khiếm thị ở TP.HCM, từ đây tình yêu âm nhạc trong anh Lai như vỡ òa vì lần đầu tiên được chạm tay vào những phím đàn. Anh Lai chia sẻ: “Khi được thầy cô dạy mình học thuộc rất nhanh và nhớ kỹ kiến thức nhạc lý. Hiện tại mình đã đàn được ghi-ta, organ, trống, mandolin, đàn cò, đàn bầu,… Người khiếm thị như mình kiếm tiền khó khăn hơn người bình thường gấp nhiều lần nên mình phải học nhiều nghề để sau này dễ dàng nuôi sống bản thân”.
Ngoài khả năng đàn điêu luyện anh Lai còn thành thạo các động tác bấm huyệt trong bộ môn mát-xa nên được trường cử đi dạy cho các hội người mù trong thành phố. Chính vì vậy, anh có cơ hội giao tiếp nhiều hơn với mọi người và tìm được một nửa yêu thương là chị Trần Thị Ngọc Loan.
Cũng giống như anh Lai (44 tuổi), hoàn cảnh của chị Loan cũng gặp nhiều khốn khó. Chị mồ côi cha từ nhỏ và sống với mẹ trong một căn trọ nhỏ ở quận 8, TP.HCM. Năm lên 3 tuổi, chị cũng mắc bệnh sốt phát ban và sống trong chuỗi ngày tăm tối. Năm 12 tuổi, mẹ chị Loan gửi chị vào “Hội người mù” quận 1, tại đây chị được học tập, làm việc tự nuôi sống bản thân cho đến khi gặp anh Lai.
Say mê tiếng đàn của người bạn đồng cảnh ngộ, yêu mến tính tình hòa nhã và sự tự tin của anh Lai nên chị Loan bằng lòng cùng anh xây dựng gia đình. Nên duyên vợ chồng, anh chị cùng nhau lên Bình Dương thuê nhà trọ sinh sống. Chị Loan mở một phòng mát-xa nhỏ làm việc tại nhà. Với chị, một cuộc sống giản dị bên chồng và con gái nhỏ Trúc Giang là hạnh phúc lớn nhất. Trúc Giang năm nay tròn 6 tuổi, cô bé ngoan ngoãn và thừa hưởng tài năng âm nhạc từ cha nên hát hay và múa giỏi. Con khỏe mạnh và lành lặn, vợ chồng anh Lai cũng có thêm động lực để làm việc, lo cho con học hành sau này.
Anh Lai được trường Trí Tâm, ngôi trường phục hồi chức năng cho trẻ bị tự kỷ tại Bình Dương mời về dạy đàn và mát-xa trị liệu cho các bé. Từng trải qua những năm tháng bất hạnh tật nguyền, cũng nhờ âm nhạc mà anh có thể tự tin hòa nhập nên anh muốn gieo tình yêu âm nhạc đến các bé bị tự kỷ để các em có thể giảm bớt bệnh tình. Anh Lai bộc bạch: “Các bé nói chuyện cũng đã khó rồi, nhưng khi mình dạy cho các bé hát được một câu mình cảm thấy hạnh phúc. Mong là các bé có thể cảm thụ âm nhạc để vơi đi bệnh tình và cảm thấy được an ủi hơn”.
Anh Lai nói thêm: “Âm nhạc có khả năng kết nối, giúp cho khoảng cách giữa người khiếm thị và người sáng mắt bình thường gần nhau hơn, mình cũng tự tin hơn hòa nhập cuộc sống”. Thế nhưng cuộc sống ngày một khó khăn khi công việc dạy đàn của anh Lai ở trường ảnh hưởng do dịch bệnh, số tiết dạy cũng giảm đi phần nào. Công việc mát-xa của chị Loan cũng chẳng thể gồng gánh chi phí sinh hoạt, học hành của con vì lượng khách vơi dần. Chính vì vậy, anh mơ ước có tiền mở một lớp dạy đàn tại nhà để cuộc sống gia đình khấm khá hơn, vợ chồng anh có thể nuôi nấng con gái ăn học nên người.
Đón xem chương trình “Thần tài gõ cửa” kỳ 625, phát sóng lúc 19h10 chủ nhật ngày 08/05/2022 trên THVL1 và phát lại lúc 16h30 thứ ba ngày 10/05/2022 trên kênh THVL2.
Bài, ảnh: Bee Comm.
Theo Người Hà Nội